Mặc dù có rất nhiều công dụng thiết thực, tuy nhiên việc chọn lựa chiếc khẩu trang đạt tiêu chuẩn và sử dụng khẩu trang như thế nào để bảo vệ sức khỏe thì không phải ai cũng biết. Nếu sử dụng sai, có thể làm mất đi tác dụng bảo vệ của khẩu trang và gây hại cho sức khỏe.
Khẩu trang phải luôn luôn sạch trước khi sử dụng, do đó mỗi người nên chuẩn bị vài chiếc khẩu trang sạch đựng trong túi PE kín để trong cặp, túi xách để thay.
Tùy vào từng trường hợp mà bạn có thể sử dụng những loại khẩu trang khác nhau. Khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, cúm, sởi, SARS… nên dùng khẩu trang N95 (có bán ở các nhà thuốc tư nhân, bệnh viện) để tăng khả năng phòng bệnh. Với bệnh khác có thể dùng khẩu trang giấy. Nếu ở nơi nhiều bụi vô cơ (như khi tham gia giao thông, là công nhân vệ sinh đường phố…) nên dùng khẩu trang vải (loại có 3 lớp, hình phễu ôm kín miệng, mũi). Nếu tới nơi nhiều khí độc hại như khói thuốc lá, hóa chất bay hơi… thì nên dùng khẩu trang than hoạt tính.
Khi đeo khẩu trang y tế, cần chú ý đến độ kín của khẩu trang. Lưu ý nên đặt mép khẩu trang có thanh chì lên trên sống mũi, sau đó dùng tay bóp chì sao cho vừa khít sống mũi. Để đảm bảo an toàn, khẩu trang y tế chỉ nên dùng một lần. Tránh việc sử dụng khẩu trang xong bỏ vào túi rồi mang ra dùng lại.
Do khẩu trang y tế có 2 mặt gần giống nhau nên khi đeo rất dễ bị nhầm lẫn, vì thế nên chú ý kiểm tra xem có bị đeo mặt trái quay ra ngoài không. Sau khi dùng xong, cần phải cho vào thùng rác để tránh vi khuẩn có cơ hội phát tán ra bên ngoài. Trong quá trình sử dụng, không nên dùng tay đưa lên sờ mặt bên ngoài của khẩu trang.
Đối với khẩu trang vải thông thường, nên đeo loại có từ 2 – 3 lớp vải. Chọn khẩu trang có 2 màu để có thể dễ dàng xác định được mặt trong và mặt ngoài khi đeo. Khẩu trang mới, trước khi sử dụng cần giặt sạch. Trong quá trình dùng nên giặt với xà phòng mỗi ngày một lần, sau đó phơi, sấy khô trước khi dùng trở lại để tránh việc vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để ẩn náu hoặc lan rộng thêm.
Cần mang khẩu trang vừa vặn, không quá rộng cũng không quá chật, có thể che kín được cả miệng và mũi. Chú ý không nên đeo khẩu trang chỉ để che miệng hoặc che trên mũi rồi thỉnh thoảng kéo xuống cằm để cười nói.
Sau khi tiếp xúc với người có bệnh lây truyền qua đường hô hấp, hoặc tới nơi có dịch, nếu là khẩu trang dùng một lần thì nên bỏ. Nếu khẩu trang tái sử dụng thì sau đó cần phải luộc với nước muối 1% trong khoảng 15 phút ở 100oC, hoặc trong ngâm xà phòng diệt khuẩn 15 phút rồi giặt sạch, phơi nơi có ánh sáng mặt trời để tiệt trùng./.